Các Chính phủ đang dần để mắt đến metaverse

Metaverse sẽ sớm là nơi không chỉ để mua hàng hóa ảo, giải trí, gặp gỡ qua các ảnh đại diện (avatar), mà nó sẽ cung cấp các dịch vụ hành chính, công cộng, khi các Chính phủ chuẩn bị bước vào thế giới kỹ thuật số đang dần mở rộng nhanh chóng.

 

Facebook, nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất trên thế giới gần đây đã đổi tên thành Meta và công bố trục xoay kinh doanh chính thức của mình sang metaverse. Nhưng Facebook không phải là công ty công nghệ duy nhất đầu tư vào việc khám phá thực tế ảo 3D, nơi mọi người tương tác với những người khác bằng hình đại diện (avatar) của chính họ. Các nền tảng trò chơi điện tử như Roblox và Fortnite đã trở nên phổ biến trong Thế hệ Z, nơi họ tạo và tương tác với nhau trong vũ trụ ảo của riêng mình.

Thế giới ảo Metaverse bắt đầu như một khái niệm phổ biến trong tiểu thuyết và phim khoa học viễn tưởng. Thuật ngữ này được đặt ra bởi tiểu thuyết “Snow Crash” năm 1992 của Neal Stephenson, sau đó được sử dụng trong tiểu thuyết “Ready Player One” của Ernest Cline. Nhưng với sự phát triển của công nghệ tiên tiến hơn và các tương tác trực tiếp hạn chế từ đại dịch, việc ứng dụng metaverse đã được đẩy nhanh và thương mại hóa nhiều hơn trong thời gian gần đây. Và Hàn Quốc là một người chơi quan trọng mới nổi trong metaverse.

Các chính phủ đang tham gia metaverse. Ảnh: @AFP.

Gần đây nhất, thành phố Seoul, Hàn Quốc và đảo quốc Barbados cho biết họ sẽ tham gia metaverse (vũ trụ ảo) để cung cấp các dịch vụ hành chính và lãnh sự tương ứng. Và các thành phố và quốc gia khác có thể làm theo, nếu công nghệ này trở nên phổ biến hơn, các nhà phân tích khẳng định.

Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt thông báo từ các công ty bao gồm Facebook – hiện có tên là Meta cho biết họ sẽ đầu tư vào metaverse, một lĩnh vực trực tuyến sử dụng thực tế ảo và tăng cường (VR) để giúp người dùng tương tác với nhau một cách dễ dàng, hiện đại, bắt kịp với làn sóng internet thế hệ tiếp theo.

Keith Carter, Phó giáo sư khoa Máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Lợi ích tốt nhất của các Chính phủ khi biết đến metaverse bởi vì thế giới ảo này sẽ tái tạo cuộc sống và hoạt động kinh doanh, quản lý hành chính, xã hội dễ dàng, tiện lợi, tiết kiệm và hợp với bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số đang ngày càng đi lên buộc các quốc gia phải chuyển mình thay đổi”.

Nói rõ thêm về vấn đề này, Steve Benford, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Nottingham cho biết sẽ có những vai trò mới đối với các Chính phủ trong không gian này, nhưng hiện tại mọi thứ vẫn chưa được lên kế hoạch và xác định rõ ràng.

Ông nói: “An ninh mạng, tự do và bảo vệ thông tin cũng như an toàn trực tuyến là những vấn đề mà các Chính phủ đã quan tâm và danh sách này có thể sẽ tăng dần lên khi metaverse trở thành trải nghiệm hàng ngày của mọi người; Các Chính phủ cũng đã và đang định hình các chính sách sẽ tác động đến metaverse sớm trong những năm kế tiếp”.

Các dịch vụ công cộng, hành chính thiết yếu đang trở thành tài sản ảo đối với các bang và chính phủ, cho thấy sự chú ý và tham gia ngày càng nhiều vào lối sống và cộng đồng trực tuyến. Ảnh: @AFP.

Metaverse Seoul dùng để khiếu nại dân sự

Seoul là thành phố lớn đầu tiên tuyên bố gia nhập metaverse, với việc Chính quyền Thủ đô Seoul (SMG) xây dựng một “hệ sinh thái metaverse cho tất cả các dịch vụ hành chính liên quan đến kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục và cả khiếu nại dân sự”.

Cụ thể, Metaverse Seoul, một nền tảng cho các dịch vụ công cộng dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2023. Nó bao gồm một tòa thị chính ảo, nơi công dân cũng có thể gặp ảnh đại diện (avatar) của các quan chức nhà nước và nộp đơn khiếu nại.

Trong khi đó, chính phủ Barbados tuyên bố cũng sẽ mở đại sứ quán metaverse đầu tiên trên thế giới trong nền tảng thực tế ảo Decentraland, với các đại sứ quán trên các nền tảng khác cũng được lên kế hoạch sớm trong thời gian tới.

“Chúng tôi là một quốc đảo nhỏ – điều này mang lại cho chúng tôi một cách để mở rộng dấu ấn ngoại giao của mình mà không cần thêm hàng chục cơ sở đại sứ quán thực, điều này là không khả thi đối với chúng tôi”, Gabriel Abed, người đứng đầu chiến lược metaverse của quốc gia đảo quốc Caribe cho biết trong một tuyên bố.

Gabriel Abed còn khẳng định: “Nó mang lại cho chúng tôi sự ngang bằng về mặt ngoại giao với các quốc gia lớn hơn và một cách hoàn toàn nhập vai để giới thiệu văn hóa và cơ hội kinh doanh của chúng tôi, đồng thời hoàn toàn kiểm soát được môi trường của chúng tôi; Các quốc gia nhỏ hơn có rất nhiều thứ để đạt được trong metaverse, lưu ý rằng Barbados cũng nhanh chóng nắm lấy tiền kỹ thuật số, giống như các quốc gia nhỏ khác bao gồm Malta, Bahamas hay cả El Salvador”.

Ông còn nói với phóng viên Thomson của trang Reuters rằng: “Covid-19 thực sự đã làm rung chuyển thế giới. Ai biết được khi nào đại dịch tiếp theo sẽ đến – chúng tôi không thể không thử các công nghệ mới có thể giúp chúng tôi khắc phục những hạn chế này”.

Khó khăn bước đầu để chạy theo metaverse

Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu có thể tái tạo hoàn toàn cuộc sống thực trong metaverse hay không, hoặc thậm chí mất bao lâu để xây dựng, các chuyên gia công nghệ và pháp lý đang phân chia về việc ai sẽ nắm quyền kiểm soát, cũng như các thành phố và chính quyền quốc gia có thể thu được giá trị bao nhiêu khi phổ quát công nghệ này.

Người dùng thì đang thúc đẩy một vũ trụ mở, phi tập trung và có thể metaverse cuối cùng có thể “trở thành khu vực dùng để bầu cử hoặc đóng vai trò là khu vực tài phán của riêng, đi kèm với các đại diện và dịch vụ dân sự”, Benford nói.

Tony Matthews, giảng viên cao cấp về quy hoạch đô thị và môi trường tại Đại học Griffith của Australia cho biết, công nghệ hiện tại không đủ tốt hoặc đủ rẻ để vận hành metaverse, vì vậy các chính phủ quốc gia “phải đối mặt với chi phí lớn và không đảm bảo lợi nhuận”.

“Tôi nghi ngờ nhiều thành phố sẽ gấp rút thiết lập metaverse …nhưng cơ hội ngay bây giờ rất hạn chế và rất tốn kém; Tuy nhiên, khi công nghệ metaverse trở nên đủ tốt để khuyến khích sự tiếp thu rộng rãi, các thành phố ảo lớn ban đầu có thể xuất hiện với nền kinh tế và thị trường ảo của riêng họ”, Tony Matthews nói.

Được biết, theo công ty nghiên cứu Strategy Analytics, thị trường metaverse toàn cầu sẽ đạt khoảng 6 tỷ USD trong năm nay và sẽ đạt gần 42 tỷ USD vào năm 2026, nhờ sự quan tâm gia tăng đối với không gian ảo dành cho công việc và giải trí trong thời kỳ đại dịch đang còn diễn biến quá nhiều phức tạp.

 

Mới nhất

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

X
Để gửi tin nhắn cho chúng tôi, trước tiên hãy để lại thông tin liên hệ của bạn để chúng tôi có thể liên hệ lại với bạn.