Metaverse Việt Nam – cơ hội để bước vào nhóm đầu thế giới

Nhiều start-up Việt đang tận dụng cơ hội từ công nghệ Metaverse để bứt phá. Ảnh: Hoàng Giang

Nhiều bước tiến đáng kể trong vũ trụ ảo

Vào tháng 3/2022 vừa qua, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty công nghệ Bizverse World nhằm số hóa toàn bộ hoạt động du lịch của địa phương lên vũ trụ ảo – Metaverse. Sau khi đi vào hoạt động, khách du lịch có thể tận hưởng Hội An theo cách thức hoàn toàn mới mà không cần thiết phải đến tận nơi để trải nghiệm.

Cụ thể, các di tích, điểm tham quan, làng nghề truyền thống, chương trình văn hóa nghệ thuật… ở Hội An sẽ được số hóa bằng hình ảnh 3D, có thuyết minh của hướng dẫn viên giọng địa phương bằng công nghệ AI tại các điểm. Đồng thời những địa điểm, hoạt động này cũng được đưa lên Metaverse được tích hợp sẵn hệ thống báo hàng để có thể bán vé trực tuyến cho khách tham quan. Việc quảng bá du lịch theo một cách thức mới lạ và trực quan hơn cho du khách như trường hợp của Hội An hiện đang là xu hướng mới được nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan hay Hàn Quốc áp dụng.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều lĩnh vực được dự đoán sẽ có cách thức hoạt động hoàn toàn khác khi đưa lên Metaverse. Với lợi thế xóa nhòa khoảng cách cùng chi phí được tiết giảm tối đa, vũ trụ ảo thậm chí được dự đoán sẽ tạo nên một nền kinh tế 800 tỷ USD vào năm 2024. Hiện rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Meta, Microsoft, Apple, Google, Tencent… đang rót hàng chục tỷ USD để xây dựng lên các Metaverse nhằm hiện thực hóa tương lai này.

Đáng chú ý, không giống như với những công nghệ khác, Việt Nam hiện được đánh giá là điểm nóng cho công nghệ thực tế ảo khi nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu khu vực về Blockchain và Metaverse. Theo dự báo của hãng phân tích MarketAndMarkets, quy mô của các thị trường nói trên tại Việt Nam sẽ đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2026, gấp 5 lần so với hiện tại.

Trên thực tế, trong 2 năm trở lại đây, Metaverse đã có những bước tiến rất dài tại Việt Nam. Hiện trong Top 200 công ty về Blockchain và Metaverse, Việt Nam đã góp mặt 7 cái tên. Đồng thời 10 DN hàng đầu trong nước hoạt động ở lĩnh vực này đã có vốn hóa trên 100 triệu USD. Theo dự đoán, các kỳ lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam sẽ xuất hiện từ chính mảng này.

Không chỉ các DN nhỏ, mà những ông lớn công nghệ Việt cũng đã có những bước đi cụ thể nhằm tham gia vào Metaverse. Có thể kể đến như Viettel hiện đã tiến hành đầu tư vào nghiên cứu, thiết kế và làm chủ các công nghệ mô phỏng hiện đại, đồng thời xác định vũ trụ ảo sẽ là mảng mang lại doanh thu lớn cho Tập đoàn trong những năm tới. Hay như kỳ lân công nghệ VNG đã rót 81 triệu USD vào Haegin, một dự án khởi nghiệp về metaverse của Hàn Quốc.

Nhận định về vị thế của Việt Nam trong Metaverse, Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab Đặng Khánh Hưng cho biết, hoàn toàn có thể tự tin nói rằng chúng ta đang bắt kịp với sự tiên phong của thế giới.

Hỗ trợ dự án khởi nghiệp

Vào tháng 6/2022 vừa qua, trong khuôn khổ sự kiện Techfest Việt Nam, Làng Công nghệ Metaverse đã được thành lập, đánh dấu lần đầu tiên vũ trụ ảo xuất hiện trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây được xem là một cổng kết nối quốc gia cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia, tập đoàn, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức và cá nhân… trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực Metaverse.

Một trong những nhiệm vụ chính của Làng Công nghệ Metaverse nhằm giúp các start-up Việt tiếp cận với những nền tảng công nghệ mới nhất, bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu và tạo ra được giá trị mới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ ảo tại Việt Nam. Từ đó, giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp Metaverse Việt Nam có thể mở rộng ra thế giới.

Được biết, trong năm nay, Làng Công nghệ Metaverse sẽ tập trung tìm kiếm những dự án vũ trụ ảo tiềm năng và triển vọng để phát triển thành những dự án lớn, của quốc gia. Bên cạnh đó là hỗ trợ 800 DN lên nền tảng Metaverse cũng như tổ chức các diễn đàn nhằm kêu gọi đầu tư vào hoạt động có liên quan tới vũ trụ ảo trong nước. Điều này cũng lý giải cho việc nhiều start-up Việt như Sky Mavis, Kardiachain, OnBlock, Whydah, Kyber Network, Sipher, Etermon, ASPO World… đã nhanh chóng được rót vốn với số tiền từ 2 triệu USD đến 200 triệu USD chỉ sau vài tháng hoạt động.

CEO Quỹ đầu tư Hobbit Investment William Đỗ nhận định, với vị thế của Việt Nam trong mảng Blockchain hiện nay, các startup về Metaverse cùng những công nghệ có liên quan sẽ vẫn có nhiều cơ hội nhận được vốn đầu tư. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dòng vốn này sẽ tập trung rót cho các dự án nghiêm túc, lâu dài thay vì chỉ tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn.

“Để có được dòng vốn chất lượng, các start-up cần phải tập trung vào sự minh bạch, mức độ khả thi cũng như khả năng mở rộng trong tương lai. Việc tạo dựng một cộng đồng ủng hộ dự án đủ lớn sẽ là lợi thế lớn với nhà đầu tư”– ông William Đỗ đưa ra lời khuyên.

“Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào một tương lai mà Việt Nam dẫn đầu khu vực về nền kinh tế xanh, công nghệ, tạo ra hàng triệu việc làm mới với vũ trụ ảo Metaverse – một thế giới kỹ thuật số với tiềm năng vô song để mở ra các cơ hội kinh tế – xã hội mới.” – Giám đốc Meta khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Công ty mẹ của Facebook) Rafael Frankel

Theo https://kinhtedothi.vn/metaverse-viet-nam-co-hoi-de-buoc-vao-nhom-dau-the-gioi.html

Mới nhất

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

X
Để gửi tin nhắn cho chúng tôi, trước tiên hãy để lại thông tin liên hệ của bạn để chúng tôi có thể liên hệ lại với bạn.