VietKings đề cử Phở Việt Nam nằm trong “Top 5 món sợi và nước ngon tuyệt của thế giới 2022”

Phở – Một trong những món ăn “quốc hồn quốc túy” của người Việt.

Hương vị của món Phở Việt Nam hội tụ đầy đủ những tinh túy của nền ẩm thực Việt. Nhiều du khách quốc tế khi đến tham quan, du lịch tại Việt Nam, ngoài việc khám phá những địa điểm tham quan nổi tiếng, ai ai cũng đều muốn một lần vào quán, gọi tô Phở nóng hổi để thưởng thức, và không phải gọi bằng từ tiếng Anh là “noodle” mà sẽ gọi thẳng là “Phở”.

 

NGUỒN CỘI VĂN HÓA MÓN PHỞ VIỆT NAM

Phở Việt Nam được cho là đã ra đời và định hình vào những năm đầu thế kỷ 20. Hà Nội và Nam Định là hai địa phương được cho là nơi xuất xứ của món Phở.

 

 

Ở Nam Định, món phở có nguồn gốc từ làng Vân Cù (xã Đồng Sơn, Nam Trực), nổi tiếng với dòng họ Cồ đã mang nghề nấu Phở gia truyền đi khắp mọi nơi sinh cơ lập nghiệp. Món Phở được tin là bắt đầu phổ biến trong bối cảnh hình thành Nhà máy Dệt Nam Định. Đến năm đầu thế kỷ 20, món phở xuất hiện tại Hà Nội và nơi đây cũng được biết đến là nơi đã làm cho món ăn này trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Tuổi khai sinh của món Phở không được sử liệu ghi nhận chính thức. Về danh từ "Phở" cũng có nhiều tranh cãi trong cách gọi. Một trong những cách giải thích có vẻ logic nhất đó là: từ "Phở" đọc chệch âm từ từ "phổ". Theo ý nghĩa, từ "Phở" được hiểu nôm là món ăn chế biến từ lúa gạo phổ biến trong đại chúng và phát âm là "phổ". "Phổ" trong tiếng rao của các hàng quà rong vốn dĩ nghe rất du dương có vần, có điệu, đôi khi còn luyến láy như hát biến âm đủ thanh sắc rót vào tai người nghe như: "phố đây, phố ơ"…! Và từ "Phở" ra đời. "Phở" cũng chính thức được ấn hành lần đầu trong cuốn Việt Nam tự điển (1930) do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo với định nghĩa là: "Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò"

Phở gánh Hà Nội xưa đã phổ biến từ cách đây khoảng 80 năm

Phở Hà Nội xưa thường được bán trên những gánh hàng rong. Nước dùng đậm mùi hoa hồi, quế và xương bò ninh lâu. Hương thơm của Phở khiến người đi từ xa cũng muốn thưởng thức. Thời bây giờ chúng ta ít thấy các gánh phở, nhưng ngày trước thì đây là một hình ảnh quá đỗi bình thường. Người bán sẽ gánh món ăn này ra vỉa hè để bán; một bên quang gánh đựng bát, thìa, đũa, bánh phở, bên kia thì đựng nồi nước lèo nóng hổi, thơm lừng. Người bán sẽ treo thêm tảng thịt bò luộc chín ở phía trên vô cùng bắt mắt. 
 

Hàng phở Hà Nội xưa.

Mỗi khi gánh phở đi qua, mùi hương của phở dậy trong gió khiến ai đi từ xa đều sẽ ngửi thấy và muốn thưởng thức ngay một tô phở nóng. Khi ấy, nhiều người nấu nước dùng còn thêm sá sùng để đậm ngọt hơn và gia giảm bằng nước mắm. 
Ngày nay, kinh tế phát triển hơn kéo theo đời sống con người cũng khác xưa. Phở đã được bán khắp nơi, từ hàng quán vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng. Phở có mặt hầu hết trong menu các khách sạn lớn. Nhờ vậy không chỉ khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài ai cũng dễ dàng thưởng thức được món ăn này. 

 

Những quán Phở Gia Truyền và nổi tiếng ở các phố Hà Nội

 
 
PHỞ GÓP MẶT TRÊN KHẮP MỌI MIỀN TỔ QUỐC
 
Món Phở được xem là món ăn “quốc hồn quốc túy” của miền Bắc nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Ngày nay, món phở đã phổ biến khắp mọi miền đất nước và có nhiều biến tấu để phù hợp với khẩu vị đa dạng của các thực khách. Một bát phở ngon đúng điệu thì phải có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố: nguyên liệu tươi ngon và hoa tay khéo léo của người nấu. Nước dùng của Phở được làm từ nước ninh của xương Bò. Thịt dùng cho Phở có thể là thịt Bò Hoặc thịt Gà. Bánh Phở phải mỏng, dai và mềm. Gia vị của Phở là hành lá, hạt tiêu, lát chanh thái. Phở luôn phải ăn nóng mới ngon, người Hà Nội còn ăn kèm với món quẩy nhỏ. Tuy nhiên để hương vị bát Phở ngon còn tùy thuộc vào  kinh nghiệm và bí quyết của người nấu Phở. Nước dùng phở Hà Nội xưa được ninh tới 10 tiếng và đậm mùi hương của quế, thảo quả và hoa hồi. Người bán sẽ chọn loại quế mà khi nhấm thử thấy vị cay cay; nhưng lưu lại ở trong miệng là vị ngọt. Hoa hồi được chọn là loại có cánh mỏng. Các gia vị này đều sẽ được nướng lên trước khi nấu, làm lên mùi hương đặc trưng của phở mà lại không bị nồng. Ngoài ra cũng có người bán cho thêm củ cải trắng vào hầm để nước ngọt tự nhiên. 
 

Một bát phở ngon đúng điệu thì phải có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố: nguyên liệu tươi ngon và hoa tay khéo léo của người nấu. 

 

Bánh phở cũng là nguyên liệu chính để tạo nên nét đặc biệt của món phở, quyết định đến chất lượng của một bát phở ngon. Bánh Phở ngon phải làm từ gạo VM 10 được cáy từ vùng chim trũng Thái Binh hoặc Nam Đinh thì mới đạt tiêu chuẩn. Vì gạo này khô, nhiều bột và bánh dai. Gạo này phải xay sát  thật trắng thì khi làm ra bánh phở mới trắng. Khi có gạo đạt tiêu chuẩn thì cho vào ngâm nước khoảng 6 giờ đồng hồ để gạo ngấm đủ nước. Sau khi vo đãi rồi chuyển vào cối xay bột rồi chuyến sang công đoạn tráng bánh. Bánh Phở thành phẩm phải mềm mỏng và dai.

 

Bánh phở đạt chuẩn phải đủ độ trắng, tơi mềm, khi ăn dai không bở.
 

Nguyên liệu để có một tô Phở ngon từ gánh Phở Hà Nội

Những thương hiệu Phở nổi tiếng thời bấy giờ có thể kể đến: 

Phở Thìn: nổi tiếng khắp Hà Nội với hai nơi là phở Thìn Bờ Hồ và quán phở Thìn phố Lò Đúc của ông Nguyễn Trọng Thìn.Có thể nói nếu phở Thìn Bờ Hồ nổi tiếng là phở tái đập thì phở Thìn Lò Đúc là phở tái lăn. Một trong những sự khác biệt, bí quyết nhà nghề để thành công và làm nên thương hiệu của phở Thìn Lò Đúc đó là cách xào thịt bò để làm phở tái lăn.

 

Phở Thìn – Quán phở nhỏ của ông Thìn được ra đời giữa lòng Thủ đô vào năm 1979 nay được thay diện mạo mới theo thời gian.

 

Phở Đán: là một trong những quán khá lâu đời tại Nam Định. Với tô phở được đem ra hấp dẫn, đủ màu sắc kết hợp hài hòa. Là sự hòa trộn giữa nước dùng trong, ngọt thanh kết hợp với bánh phở mềm cùng với vị ngọt, mềm của thịt bò.

Quán Phở Đán đã có tuổi đời hơn mấy chục năm và được đánh giá là một trong những quán nổi tiếng nhất Thành Nam

 
Theo thời gian, món Phở theo chân người Bắc vào Sài Gòn và đã được nhiều nhóm cư dân ở đây “định nghĩa” lại, cho ra một thứ phở khác hẳn với nguồn gốc nơi nó sinh ra, nổi tiếng nhất có thể kể đến Phở Dậu có mặt ở Sài Gòn từ những năm 1958. 
Quán phở Dậu do bà chủ tên Dậu (một phụ nữ gốc Nam Định) khai sinh ra khi di cư vào Sài Gòn từ cuối thập niên 1950. Không rõ bà Dậu có liên quan gì với làng phở Giao Cù nổi tiếng hay không, nhưng chắc chắn bà nắm vững tinh hoa của lối nấu phở Bắc. Phở Dậu mang đậm phong cách phở Nam Định, chỉ khác lối bánh phở nhỏ chứ không to bản như nguyên gốc. Còn lại quy tắc ninh xương ống bò, dùng nước mắm để nêm nếm, không dùng nước tương, chỉ sử dụng hành hoa và mùi làm rau gia vị, tuyệt đối không chấp nhận giá sống, húng quế, mùi tàu – ngoại trừ chút hành tây – là tuân thủ đúng lối nấu phở Bắc. 
 

Có mặt từ những năm 1958, phở Dậu với hương vị phở Bắc truyền thống, không rau giá và tương đen

 

PHỞ KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRONG LÀNG ẨM THỰC QUỐC TẾ

Nhắc tới ẩm thực Việt Nam không ai là không nhắc đến món Phở – một món ăn đặc sản ngon mắt, ngon miệng. Phở có thể ăn vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Món Phở Việt Nam được đón nhận trên khắp thế giới và có mặt ở nhiều quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Australia, Đức, Anh, Mỹ hay Brazil xa xôi…

 

Tại SingaporeCác quán phở Việt có mặt trên nhiều tuyến đường, thiên đường ẩm thực của quốc đảo sư tử như Ann Siang, Tanjong Pagar, cho đến Joo Chiat và CBD. Những quán phở nổi danh khác phải kể đến Saigon Alley, Mộc Quán, Pho 99 Vietnam Delight…

Mrs Phở House – một trong những quán Phở hương vị Việt tại Singapore

Tại Tokyo có hàng chục quán phở Việt Nam lớn nhỏ, trong đó nổi tiếng nhất là Phở Thìn, một thương hiệu lâu năm ở Hà Nội. Ngoài ra, thực khách còn có những lựa chọn khác nếu muốn ăn phở Việt như Saigon Restaurant, ở khu phố mua sắm Ikebukuro; Viet Nam Chan gần ga Shinokubo…

Phở Thìn tại tại Ikebukuro – Nhật Bản

Và điều tất yếu Phở không thể không "ghé" đến nước Mỹ xa xôi cách Việt Nam nữa vòng trái đất. Tương ớt, giá trụng, hành ngò đầy đủ, và những tô phở "cỡ Mỹ" to đùng như cái chậu – bất cứ người Việt nào từng ăn phở ở Mỹ đều không thể quên những đặc trưng này. Từ bờ Đông đến bờ Tây nước Mỹ, người Việt đi đến đâu, món phở cũng đi đến đó. 

Phở Hùng ở Las Vegas

Tại  Hàn Quốc, theo thống kê, chỉ riêng ở thành phố Seoul sầm uất cũng đã có hơn 150 nhà hàng phục vụ các món phở. Thậm chí có một phép so sánh thú vị là, người Việt yêu thích ẩm thực Hàn bao nhiêu thì xứ sở kim chi lại phải lòng những tô phở nước ta bấy nhiêu. Những thương hiệu phở Việt đã tạo dấu ấn trong lòng thực khách tại đây là Little Saigon, Little Papa Phở, Phở Mein… Để diễn tả được sự ưa chuộng của món phở Việt tại Hàn Quốc phải kể đến những ngôi sao nổi tiếng xứ Hàn đều thích thú và phải công nhận sự đặc sắc của hương vị này. Chẳng hạn như Bi (Rain), Ok Taecyeon (2PM), T-Ara, Wanna One, Hui (Pentagon), Chaeyeon…

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân Kim Jung-sook bước vào một quán phở trên đường Hoàng Minh Giám, quận Cầu Giấy, Hà Nội trong vòng vây an ninh dày đặc. 

 

Quán Phở Việt tại Hàn Quốc

 
Món Phở Việt Nam còn nổi tiếng đến độ trang có riêng 1 ngày để vinh danh Phở – ngày 12/12 hàng năm chính là "Ngày của Phở".  Và vào ngày 12/12/2021, trang tìm kiếm lớn nhất thế giới Google đã lấy hình ảnh tượng trưng của món Phở đặt trên trang chủ ngày hôm đó, hình ảnh do nghệ sĩ Lucia Phạm, sống tại Hà Nội, minh họa. 
 

Trên trang web của mình, Google cũng nói về Doodle ngày 12/12: "Doodle hôm nay là phở, món ăn quốc gia của Việt Nam. Đó là một món gồm nước dùng mặn, bánh phở mềm, rau thơm và thịt thái mỏng. Điều làm nên sự khác biệt của phở là quá trình nấu ăn mà người đầu bếp đặt cả cái tâm của mình vào trong đó, để tạo nên hương vị đa dạng, nước dùng trong. Theo truyền thống, phở là một món ăn sáng, được bày bán trong các hàng quán vỉa hè. Ngày nay, phở được ăn trên toàn thế giới, với nhiều biến thể như phở trộn, phở cuốn…".

 
 
VietKings đề cử Phở Việt Nam nằm trong “Top 5 món sợi và nước ngon tuyệt của thế giới 2022”
 

 
Với những giá trị đặc biệt đó của Phở Việt Nam, tháng 5/2022 vừa qua Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ và đề cử đến Liên Minh Kỷ lục Thế giới – Worldkings đề xuất công nhận: Phở Việt Nam nằm trong “Top 5 món sợi và nước ngon tuyệt của thế giới 2022”. Toàn bộ chi phí thực hiện Hành trình tìm kiếm và quảng bá món ăn, đặc sản Việt Nam ra các kênh Kỷ lục Thế giới và truyền thông trên các kênh Kỷ lục toàn cầu đều do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings tài trợ thực hiện.
 

 
Dự kiến, kết quả sẽ được Liên Minh Kỷ lục Thế giới – Worldkings xét duyệt và công bố vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam hiện đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ đề cử Kỷ lục Thế giới cho Việt Nam ở nhiều hạng mục khác.
 
Mọi thông tin đóng góp xin gửi về:
TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM – VIETKINGS
Địa chỉ: 148 Hồng Hà, Phường 9, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM
Email: noidungkyluc@gmail.com; Website: https://kyluc.vn
 
TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS) 
Công bố Thông tin tháng 5/2022

Mới nhất

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

X
Để gửi tin nhắn cho chúng tôi, trước tiên hãy để lại thông tin liên hệ của bạn để chúng tôi có thể liên hệ lại với bạn.