NFT trong giới nghệ thuật: Cơ hội hay rủi ro?

Hiện nay, nhiều nghệ sĩ đã bán được hàng loạt tác phẩm NFT, với giá trị có thể lên tới hàng trăm nghìn USD một tác phẩm.
Bored Ape Yacht Club, bộ sưu tập NFT nổi tiếng và đắt tiền. Ảnh: Bored Ape Yacht Club

NFT (Non-Fungible Token) hay token không thể thay thế là một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain – công nghệ sử dụng chữ ký số để xác nhận tác phẩm gốc và người sở hữu tác phẩm bắt đầu được giao dịch vào năm 2017. Tuy vậy, nó chỉ thực sự bùng nổ và được thế giới chú ý trong năm 2021, 4 năm sau khi ra mắt lần đầu. Theo công ty theo dõi thị trường DappRadar, doanh số bán NFT trong quý 3 năm 2021 đã tăng lên 10,7 tỉ USD. Một số chuyên gia nhận định rằng đại dịch COVID-19 khiến mọi nơi bị phong toả sự đã góp phần đẩy mạnh sự bùng nổ của NFT chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo Forbes, NFT được định nghĩa là một “tài sản số đại diện cho một vật phẩm trong thế giới thực như tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm âm nhạc, món đồ trong trò chơi và video”. NFT được mua bán trên Internet và được mã hóa bằng phần mềm, về cơ bản giống như nhiều loại tiền điện tử. NFT nổi tiếng với sự độc nhất nhờ các mã định dạng cụ thể – đính kèm khi chúng được tạo ra.

Thời gian qua, nhiều người đã sẵn sàng bỏ ra số tiền “khủng” lên đến hàng chục triệu USD để sở hữu các vật phẩm NFT. “Cơn sốt” này không chỉ khuấy động cộng đồng đầu tư, mà còn lan rộng sang giới nghệ thuật. Hàng loạt nghệ sĩ bắt đầu hướng đến việc phát hành tác phẩm dưới dạng NFT.

Tháng 10.2020, nhà sưu tập Pablo Rodriguez-Fraile đã chi gần 67.000 USD (hơn 1,5 tỉ đồng) để mua một đoạn video 10 giây của nghệ sĩ Beeple. Cuối tháng 2.2021, người này bán lại đoạn video đó với giá 6,6 triệu USD (hơn 151 tỉ đồng). Một tác phẩm NFT khác của nghệ sĩ Beeple, tên thật là Mike Winkelmann, là bức tranh Everyday: The First 5.000 Days cũng thu về số tiền khổng lồ 69,3 triệu USD (gần 1.600 tỉ đồng).

Bức tranh Everyday: The First 5.000 Days.

Thị trường giao dịch tác phẩm NFT cũng trở nên nhộn nhịp nhờ sự xuất hiện của nhiều gương mặt nghệ sĩ. Ca sĩ Grimes – bạn gái tỉ phú Elon Musk đã kiếm được 5,8 triệu USD (hơn 133 tỉ đồng) trong vòng chưa đầy 20 phút nhờ bán bộ sưu tập tranh và video âm nhạc NFT. DJ đình đám Steve Aoki cũng nhanh chóng bắt kịp trào lưu khi tung ra đoạn video có một nhân vật hư cấu nhảy múa theo nền nhạc do chính anh sáng tác.

Không chỉ ở thị trường Châu Âu mà làn sóng mua bán NFT ảnh hưởng đến cả các nước Châu Á. Vào dịp tết Nguyên đán 2021, hãng thời trang RTFKT đã trình làng mẫu giày thể thao NFT lấy cảm hứng từ văn hóa Trung Quốc. Mới đây, nhóm nhạc nam A.C.E ở Hàn Quốc đã giới thiệu bộ sưu tập 106 thẻ ảnh kỹ thuật số vào cuối tháng 4. Hoạt động này đã giúp A.C.E trở thành nghệ sĩ xứ kim chi đầu tiên phát hành ấn phẩm dạng NFT.

Một cái tên thu hút sự chú ý của thị trường tiền mã hoá là Bored Ape Yacht Club (BAYC). Đây là NFT avatar lớn nhất thế giới tính theo vốn hoá thị trường. Bộ sưu tập BAYC bao gồm 10.000 NFT, được tạo ra theo thuật toán từ hơn 172 đặc điểm xác định độ hiếm của mỗi loài vượn (ape). Con vượn càng có nhiều đặc điểm hiếm, thì NFT càng có giá trị. Giá trị giao dịch BAYC trên thị trường OpenSea lên tới hơn 466.000 ETH (1,4 tỉ USD), theo dữ liệu được thu thập tính đến tháng 3 năm 2022.

Tuy nhiên, giá trị cao của NFT cũng biến chúng thành mục tiêu cho những kẻ muốn trục lợi. Vào đêm 29.3, Ronin Network, mạng lưới blockchain kết nối Axie Infinity với Ethereum đã thông báo việc bị các hacker tấn công. Theo ước tính ban đầu, tổng tài sản bị đánh cắp lên tới số tiền hơn 620 triệu USD (khoảng gần 14.000 tỉ VND). Bài viết chính thức trên Twitter của Ronin Network cũng đã làm rõ vấn đề này sau đó: “Một lỗ hổng bảo mật trên Ronin Network đã bị khai thác. Tổng tài sản bị đánh cắp bao gồm 173.600 Ethereum (ETH) và 25.5 triệu USDC. Hiện Ronin Bridge và sàn giao dịch Katana Dex đã tạm ngưng hoạt động”.

Trong khi số đông đang quay cuồng trong cơn bão, nhiều người lại lo ngại rằng NFT chỉ là một trào lưu “sớm nở tối tàn”, biến các tác phẩm nghệ thuật thành món hàng ảo được mua đi bán lại chỉ vì lợi nhuận “khủng”. Theo họ, điều này có thể dẫn đến nguy cơ đánh mất trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật thuần túy. Theo trang Business Insider, không ít chuyên gia còn đưa ra cảnh báo giao dịch NFT giống như “bong bóng đầu cơ”, chực chờ nổ bất kỳ lúc nào. Vì thế, mọi người cần thận trọng khi gia nhập thị trường này.

Trong thời đại số và công nghệ càng ngày càng phát triển, những sản phẩm số như NFT chắc chắn là sự xuất hiện tất yếu. Nhưng cũng tương tự như tiền điện tử, những sản phẩm mới như thế này sẽ phải đối mặt với những thắc mắc, nghi ngờ rằng liệu chúng có thực sự sẽ có giá trị lâu bền hay chỉ là một trào lưu sẽ lụi tàn? Câu trả lời thực tế tất nhiên chỉ có thời gian mới là đáp án chính xác nhất.

 

Mới nhất

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

X
Để gửi tin nhắn cho chúng tôi, trước tiên hãy để lại thông tin liên hệ của bạn để chúng tôi có thể liên hệ lại với bạn.