Tối ưu hóa năng suất lao động nhờ chuyển đổi số

Đối với những doanh nghiệp chọn được giải pháp phù hợp, chuyển đổi số đã góp phần tích cực trong công tác quản lý và hiệu suất làm việc.

Theo báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần 50% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã từng sử dụng ít nhất một giải pháp chuyển đổi số, nhưng hiện không còn áp dụng vì thiếu hiệu quả.

Các chuyên gia lý giải, tỷ lệ chuyển đổi sang môi trường số của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp do các doanh nghiệp đang đầu tư sai cách, chưa chọn được giải pháp phù hợp với mô hình kinh doanh của mình. Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp chọn được giải pháp phù hợp, chuyển đổi số đã góp phần tích cực trong công tác quản lý và hiệu suất làm việc.

Hôm nay là ngày nhận lương hàng tháng của Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, các công nhân ngay lập tức kiểm tra thu nhập của mình trên ứng dụng quản trị công việc của công ty. Không chỉ thông báo lương, ứng dụng này còn được sử dụng hàng ngày cho việc chấm công, trao đổi tin tức, công việc giữa các bộ phận.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)

“Lúc đầu chúng tôi đa phần truyền đạt bằng cách thủ công là nhiều. Các thông tin truyền nhau qua file giấy, file cứng. Khi chúng tôi sử dụng phần mềm, mọi người cập nhật được phúc lợi của mình và có thể biết được kế hoạch công việc cũng như hiệu quả công việc”, chị Đỗ Thị Tâm, công nhân Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh, cho biết.

Không chỉ mang đến sự thuận tiện cho cán bộ công nhân viên, việc “số hóa” quy trình, thủ tục còn giúp công ty tiết giảm chi phí, rút ngắn thời gian làm việc.

“Từ khi chúng tôi sử dụng phần mềm quản trị công việc này, mặc dù doanh số cũng như sản lượng tăng trưởng hàng năm và khối lượng công việc tăng lên, tuy nhiên chúng tôi không phải sử dụng thêm nhiều nhân công và không cần tăng thời gian làm việc. 1 người cập nhật dữ liệu và dữ liệu đấy được truyền dẫn đồng nhất trên toàn hệ thống, tiết kiệm rất nhiều thủ tục, giấy tờ cho đơn vị”, bà Lê Thị Bích Lan, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần bánh kẹo Bảo Minh, cho hay.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là không thể thiếu trong xu hướng hiện tại, là tiền đề để các doanh nghiệp mở rộng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Ngày trước, doanh nghiệp theo cách truyền thống thì phải set up đại lý, điểm bán hàng cụ thể. Ngày nay trong môi trường số, doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận khách hàng, ví dụ cung cấp online, cung cấp qua hệ thống digital marketing. Đấy là những lĩnh vực cần xử lý dữ liệu lớn. Nếu không áp dụng chuyển đổi số thì việc kinh doanh của họ sẽ không hiệu quả”, ông Đinh Đức Thụ, Giám đốc Ban Khách hàng Tổ chức – Doanh nghiệp, VNPT, đánh giá.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay mới chỉ có hơn 2,2% số doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết đã làm chủ công nghệ và bước đầu thành công trên con đường chuyển đổi số.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đúng cách

Dù lợi ích của chuyển đổi số là rất rõ ràng, nhưng thực tế tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp có thể chuyển dịch hoạt động sản xuất kinh doanh của mình lên môi trường số một cách hiệu quả như câu chuyện của Công ty cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh là không nhiều. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó trong việc tiếp cận chuyển đổi số vì nhiều lý do như sợ tốn chi phí, hay chưa tìm được giải pháp phù hợp với chuyên ngành.

Nhằm lấp “khoảng trống” thông tin về giải pháp chuyển đổi số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát hành ấn phẩm Trang vàng giải pháp chuyển đổi số. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, nằm trong kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế số quốc gia.

“Trang vàng các giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp” đưa ra nhiều giải pháp chuyển đổi số phổ biến nhất hiện nay như hóa đơn điện tử, truy xuất nguồn gốc hay quản trị công việc, cùng 40 nhà cung cấp giải pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và chọn lọc kỹ lưỡng. Với mỗi giải pháp, tài liệu này đều có đánh giá cụ thể về các tính năng, khả năng hỗ trợ kèm theo nhận xét chi tiết.

Trang vàng được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán khó của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hành trình chuyển đổi số theo chủ trương đúng giải pháp, đúng doanh nghiệp để mang lại hiệu quả cao nhất cùng với chi phí phù hợp nhất.

Một trong những trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình tiếp cận chuyển đổi số là vấn đề chi phí. Hiểu được điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều giải pháp.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn 50 giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ cho doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp này sẽ được thời gian sử dụng miễn phí dài hơn, hỗ trợ miễn giảm chi phí khi lựa chọn giải pháp chuyển đổi số. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động sử dụng các giải pháp này”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thông tin.

“Trang vàng các giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp” là một phần trong dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với kinh phí 24,9 triệu USD. Kể từ năm 2019 đến nay, dự án đã góp phần đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyển đổi số, cũng như kết nối, mở rộng cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế.

“Trong năm 2023, chúng tôi đang tập trung vào chương trình tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam. Các gói hỗ trợ trị giá lên tới 150.000 USD sẽ được trao cho những doanh nghiệp tiên phong, có sản phẩm mang “giá trị Việt”. Ngoài ra sẽ còn nhiều gói hỗ trợ khác giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số”, ông Trevor Hublin, Phó Giám đốc Phòng Quản trị Nhà nước và Tăng trưởng kinh tế, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID, cho biết.

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kinh tế số Việt Nam đặt mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025 và đạt 30% GDP đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.

 

Theo https://vtv.vn/kinh-te/toi-uu-hoa-nang-suat-lao-dong-nho-chuyen-doi-so-20230510114857331.htm

Mới nhất

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

X
Để gửi tin nhắn cho chúng tôi, trước tiên hãy để lại thông tin liên hệ của bạn để chúng tôi có thể liên hệ lại với bạn.