Thách thức vấn đề bản quyền trên không gian mạng

Môi trường số đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngày 26/4, tại Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch diễn ra toạ đàm Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng. Toạ đàm là dịp cho thế hệ trẻ giao lưu, trao đổi nhiều nội dung thú vị, bổ ích về quyền tác giả, quyền liên quan, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các công nghiệp văn hoá.

Môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức vấn đề bản quyền 

Phát biểu mở màn toạ đàm, ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng, nếu như tác phẩm Gánh mẹ – sản phẩm văn hóa hữu hình phải mất thời gian dài mới có thể ‘trả lại tên cho em’ thì với việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng, để xử lý được còn khó khăn gấp bội.

Ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Ông Đoàn Văn Việt khẳng định, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng. “Sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý vi phạm”, ông Việt nhấn mạnh.

Với thế hệ trẻ hiện nay, ông Việt cho rằng đây là thế hệ những người kiến tạo, sẵn sàng đối mặt thách thức, đặc biệt trên không gian mạng, khi điện thoại di động và Internet kết nối toàn cầu, thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và không gian mạng. Bối cảnh này tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy khả năng sáng tạo và đổi mới trong kinh doanh. “Các bạn trẻ với nhiệt huyết, đam mê và sự năng động sẽ tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học; giữ vai trò tiên phong trong bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và cùng nhau kiến tạo nên một tương lai tươi sáng…”, ông Việt nhấn mạnh.

Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch danh dự hội Truyền thông số Việt Nam.

Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch danh dự hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ, thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng là chủ đề nóng, khó và cần thiết. Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới và không có lý gì khi thế giới làm được mà ta lại không làm được trong việc bảo vệ tác quyền. “Thời gian ‘sống’ trong mạng xã hội, trên Internet của các bạn trẻ mỗi ngày càng nhiều hơn. Cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng thần tốc, ngoạn mục. Ở đó có cơ hội và thách thức đặt ra cho tất cả, trong đó giới trẻ có sứ mệnh vô cùng lớn…Thế giới làm được, ta cũng làm được. Bất luận mọi việc khó đến đâu chúng ta cứ dũng cảm nhảy vào thì sẽ ra cách làm, ra chính bản thân mình. Đơn giản làm trước phức tạp làm sau, đồng thuận làm trước,… ”, ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.

Ý thức cộng đồng góp phần hạn chế vi phạm bản quyền

Chia sẻ giải pháp về nâng cao vai trò của nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, cần giám sát và yêu cầu các ISP tôn trọng, thực thi các quy định pháp luật về bản quyền. Nền tảng Luật pháp của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện sẽ là điều kiện lý tưởng để yêu cầu các nhà ISP phải nghiêm túc thực thi.

“Nhưng, có một thực tế cần khắc phục là người Việt Nam, bao gồm các bạn trẻ thường thích dùng miễn phí, trong khi số tiền bỏ ra để đăng ký các ứng dụng thuê bao có bản quyền không hề đắt đỏ, chỉ vài chục nghìn là có thể xem được bản phim cực nét. Thế nhưng chúng ta vẫn chứ thích dùng miễn phí, dù bản miễn phí có mờ, có quay trộm bằng góc máy không rõ nét nhưng vẫn cứ thích xem miễn phí”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.

Chính vì thế, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, ngoài con người vận hành, hành lang pháp lý thì ý thức của người dân về việc bản quyền phải được nâng cao.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ông Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam khẳng định, nếu bản thân các bạn trẻ tự ý thức việc không xem phim, xem bóng đá lậu thì nhức nhối bản quyền sẽ ít đất để tồn tại hơn. Ông Tuấn nhắc lại câu chuyện cậu thanh niên 18 tuổi quay lén và livestream phim Cô Ba Sài Gòn vài năm trước khiến nhà sản xuất nội dung thiệt hại không nhỏ bởi số tiền nhiều tỷ đồng họ bỏ ra bị xâm phạm bản quyền.

Ông Đinh Trung Cẩn – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khẳng định, 20 năm qua, nhận thức trong bảo vệ bản quyền âm nhạc nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung đã có nhiều chuyển biến. “Chúng ta đang đi từng bước, mưa dầm thấm lâu, đi đâu chắc tới đó để dần đạt đến sự ổn định. Điều đó rất cần sự đồng hành của công chúng yêu âm nhạc, đặc biệt là các bạn trẻ khi khai thác các bài hát, bản nhạc trên không gian mạng…”, ông Cẩn nói.

Bà Phạm Thị Kim Oanh –  Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho rằng, để trở thành thế hệ tiên phong bảo vệ bản quyền, những người trẻ trước hết hãy là thế hệ không thờ ơ với tác quyền. Mỗi người có thể có những lựa chọn để giải trí, tiếp cận sản phẩm nhưng hãy trên tinh thần tôn trọng sự sáng tạo, tôn trọng tâm sức và trí tuệ của người sáng tác và chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo Tình Lê/vietnamnet.vn 

Mới nhất

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

X
Để gửi tin nhắn cho chúng tôi, trước tiên hãy để lại thông tin liên hệ của bạn để chúng tôi có thể liên hệ lại với bạn.