[WOWTIMES – Niên lịch & Thành tựu Việt Nam 2022] Kỷ lục gia Huỳnh Minh Hiệp: 30 năm cháy hết mình cho những bộ sưu tập “có một không hai”

Nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Anh hiện là Phó Chánh Văn phòng Trung tâm Unesco Nghiên cứu Bảo tồn Cổ vật Việt Nam.

 

Anh Hiệp cho biết: Mình sinh ra trong gia đình có ông Tổ là Đốc Phủ Sứ Bạc Liêu, là một trong bốn người theo Mạc Thiên Tứ từ Triều Châu sang khai phá vùng đất Bạc Liêu. Ông nội anh là người gìn giữ những bức thư tình ngọt ngào và lãng mạn suốt mấy chục năm trời. Đến thời ba anh, bộ sưu tập tiền cổ là điều khiến ông tự hào nhất. Cứ như thế, trong anh nhen nhóm đam mê về sưu tầm từ lúc nào không hay.

Sau gần 30 năm sưu tập, anh Hiệp chọn mở một quán cà phê không quá tập trung vào doanh thu mà để tạo không gian cho những ai muốn về thăm lại Sài Gòn những năm về trước với tâm niệm "chọn cách làm riêng hy vọng đem đến những hiệu ứng tích cực với giới trẻ". Cà phê Lúa là nơi anh gom góp, chứa đựng tất cả những kỷ vật của mình, từ những khối tiền thời vua Minh Mạng cho đến máy chiếu phim cho trẻ em ngày xưa… Đối với anh, mỗi kỷ vật đều có câu chuyện, đánh dấu thời kì vàng son hay thăng trầm của lịch sử.

KỶ LỤC GIA CỦA NHỮNG BỘ SƯU TẬP "CÓ MỘT KHÔNG HAI"

Đam mê sưu tầm gần 30 năm nay, anh Huỳnh Minh Hiệp còn được mọi người thân quen gọi biệt danh “Hai Lúa”, đây cũng là tên quán Cafe của anh, nơi lưu giữ các hiện vật và cổ vật có giá trị vật chất lẫn tinh thần như: Bộ sưu tập Programme – Poster film chiếu rạp và các tư liệu, hiện vật về cải lương Việt Nam giai đoạn trước năm 1975; Bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới; Bộ sưu tập các hiện vật tái hiện Sài Gòn trước năm 1975…  Và gần đây là một Bộ sưu tập hoàn toàn mới về những kỷ vật trong giai đoạn cả nước căng mình chống dịch Covid-19.

Bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới

Để có Bộ sưu tập đồ sộ như hiện nay, anh Hiệp cho biết thú sưu tập được anh nhen nhóm khi còn là nhân viên của Cửa hàng miễn thuế sân bay Tân Sơn Nhất. Với tài ảo thuật hài hước, Hiệp được tán thưởng bằng những đồng tiền lẻ của nhiều khách quốc tế với đủ màu sắc, anh mang về nhà cất giữ. Số lượng nhiều lên lúc nào không hay và ý tưởng sưu tập hình thành từ đó.

 

Anh Hiệp đang sở hữu gần 20 loại tiền xu nguyên khối từ thế kỷ 1 đến 19

 

Anh hiện sở hữu hàng nghìn tờ tiền giấy đủ các mệnh giá của 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 10.000 đồng xu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam và thế giới.

 

Còn lại là tiền Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử rất đa dạng như giấy bạc Đông Dương, giấy bạc Cụ Hồ, giấy bạc Nam bộ, tín phiếu Trung bộ…

 

Tờ 1 đồng năm 1901 của Ngân hàng Đông Dương

 

Những đồng tiền xu của các triều đại phong kiến Việt Nam đã trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn.

 

Bén duyên với đam mê sưu tầm, anh cho hay ngày mình có những đồng xu làm nên bộ sưu tập tiền xu các quốc gia trên thế giới cũng là ngày anh quyết tâm đi đến mọi tỉnh thành để rinh về những hiện vật quý giá, bổ sung vào kho tàng của mình.

Bộ sưu tập Programme – Poster film chiếu rạp và các tư liệu, hiện vật về Cải lương Việt Nam (giai đoạn trước năm 1975) nhiều nhất

Nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp hiện lưu giữ khoảng 300 hiện vật về cải lương Việt Nam trước năm 1975. Trong đó có các tờ giới thiệu về những vở cải lương lừng danh xưa như Con gái chị Hằng, Hai chiều ly biệt, Tuyệt tình ca, Má hồng Phận bạc…; Tờ giới thiệu về các đoàn cải lương lừng danh với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Minh, Thanh Nga, Kim Chung, Út Bạch Lan, Thành Được…; Các quyển tuồng cải lương xưa như Sương mù trên non cao, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn…

 

Tờ giới thiệu về giải Kim Khánh năm 1972 và Quyển tuồng cải lương "Nửa đời hương phấn"

 

Các quyển tập vở viết tuồng trước 1975 các các nhạc sĩ đoàn hát bằng viết tay; Hình ảnh về các nghệ sĩ cải lương, giải Kim Khánh trước năm 1975…

 

Ông Philippe Chaplain, Chủ tịch Hội Di sản quốc gia Pháp tặng 3 poster phim

 

Bên cạnh đó là 690 tờ quảng cáo (hay còn gọi là Programme – Poster) các bộ phim chiếu rạp Pháp – Việt – Hoa Kỳ – Hoa – Ấn Độ – Nhật Bản…

Bộ sưu tập các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (trước năm 1975)

 

Cà phê Lúa mang phong cách Sài Gòn xưa rộng hơn 1.000m2 nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận là nơi anh Hiệp trưng bày hơn 2.000 hiện vật được người dân thành phố sử dụng từ thập niên 1930 đến 1970 trong số hơn 5.000 món đồ anh đã dày công sưu tầm trong 30 năm.

 

 

Từ bộ bàn ghế, cánh cửa, kệ gỗ, cách trang trí tường, nền gạch hoa đến những chiếc máy hát, máy ảnh, điện thoại bàn, dàn nghe nhạc hay những chiếc xe máy, poster phim, kem đánh răng, cục xà bông… đều là những đồ vật cổ xưa hiếm thấy và rất khó sưu tập. Không gian Cà phê Lúa nhuộm màu sắc hoài cổ khi phần lớn các đồ vật trong quán đều từng một thời gắn bó quen thuộc với người Sài Gòn.

 

Anh Huỳnh Minh Hiệp bên chiếc Motobecane AB1, động cơ 125cc được sản xuất năm 1938 và hơn 10 chiếc xe cổ của mình.

 

Ngoài cà phê và đồ uống, quán còn phục vụ những món ăn vặt quen thuộc của người Sài Gòn ngày xưa như: mía ghim, ổi ghim, cóc ghim, siro đá bào, bánh con sâu, bánh sâm banh, bánh tai heo….

 

Bộ sưu tập các hiện vật liên quan đến đại dịch COVID-19 tại Việt Nam

Từng tham gia tuyến đầu chống dịch, làm công tác vận chuyển thiết bị y tế và thuốc men cho bệnh viện dã chiến, lương thực thực phẩm cho các cán bộ lão thành cách mạng, anh Hiệp đã dành nhiều tháng để tìm kiếm và lưu giữ lại tất cả các loại giấy tờ, hiện vật về dịch Covid-19.

 

Hơn 1.000 kỉ vật liên quan đến đại dịch COVID-19 được anh cất công tìm kiếm và lưu giữ cẩn thận từ giấy đi đường, đi chợ, giấy nhận em bé, giấy phạt và cả giấy bàn giao tro cốt…

 

Ban đầu, bộ sưu tập chỉ là những giấy tờ của cá nhân, bạn bè xung quanh tại Sài Gòn. Sau đó, anh lặn lội đi nhiều tình thành để tìm kiếm các thể loại giấy tờ, đồ đạc trong những ngày cả nước chống dịch để sưu tầm thêm nhiều loại giấy tờ độc đáo thời Covid-19.

 

Hơn 1.000 kỉ vật liên quan đến đại dịch COVID-19 được anh Huỳnh Minh Hiệp lưu giữ

Ngoài giấy tờ, anh cũng sưu tầm nhiều hiện vật xuất hiện trong mùa dịch khác như là túi thuốc điều trị F0, vỏ lọ vaccine, lương khô của Bộ Quốc phòng, những chiếc túi an sinh của Chính phủ…

 

Đến hiện tại, ông Hiệp đã sưu tập gần 1.500 các loại giấy đi đường, phiếu đi chợ, thẻ tình nguyện viên… thời covid-19. Đến nay, bộ sưu tập vẫn đang tiếp tục được bổ sung khi nhiều người ở các tỉnh thành biết được ý tưởng sưu tầm kỉ vật thời Covid-19 gửi về. Với nhiều người có lẽ ký ức về đại dịch là những tang thương, mất mát không muốn nhớ về. Nhưng với anh Hiệp, những tháng ngày đó là một phần giá trị trong cuộc đời mà mình đã trải qua. Anh mong muốn giữ lại những kỉ vật có liên quan đến đại dịch như một minh chứng sống cho thế hệ sau nhìn thấy để biết trân trọng hơn hiện tại mà mình đang có.

30 NĂM SƯU TẦM VÀ NHỮNG THÀNH TỰU XỨNG ĐÁNG

Sau 30 năm dày công sưu tập, anh Hiệp được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập 03 Kỷ lục Việt Nam từ năm 2005 đến năm 2010. Tổ chức Kỷ lục Người Việt Toàn cầu ghi nhận 02 Kỷ lục vào năm 2020.  Bên cạnh đó là nhiều giấy khen, bằng khen… ghi nhận quá trình sưu tập, gìn giữ những giá trị văn hóa cũng như hiến tặng các hiện vật cho các đơn vị và tổ chức nhiều triển lãm.

04 TRIỂN LÃM

– Tham gia Triển lãm tiền cổ Việt Nam chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội tại Bảo tàng Quốc gia năm 2010.
– Tổ chức Triển lãm SÀI GÒN THẾ KỶ VÀNG SON năm 2018 tại quán Cà phê Lúa Sài Gòn, có sự tham dự của ngài Philippe Chaptian – Chủ tịch Di sản Quốc gia Pháp.
– Triển lãm SÀI GÒN XƯA năm 2018 tại Idecaf nhân kỷ niệm 45 năm Ngoại giao Pháp Việt, có sự tham dự của ngài Vincent Floriani – Tổng Lãnh sự Pháp tại Việt Nam.
– Tổ chức Triển lãm LẶNG 29.05.2022 ký ức Đại dich Covid-19 tại quán Cà phê Lúa Sài Gòn

XÁC LẬP 03 KỶ LỤC VIỆT NAM VÀ 02 KỶ LỤC NGƯỜI VIỆT TOÀN CẦU

 

 

– Năm 2005: Xác lập Kỷ lục Việt Nam Người có bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới nhiều nhất
– Năm 2020: Xác lập Kỷ lục Việt Nam Người có bộ sưu Programme-Poster film chiếu rạp và các tư liệu, hiện vật về cải lương Việt Nam giai đoạn trước năm 1975 nhiều nhất
– Năm 2020: Xác lập Kỷ lục Việt Nam Tiệm Cà Phê Lúa Sài Gòn – Nơi trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn Xưa (trước 1975) nhiều nhất Việt Nam
– Năm 2020: Xác lập Kỷ lục người Việt Toàn cầu với Tiệm Cà Phê Lúa Xưa – Nơi trưng bày hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (trước năm 1975) với số lượng nhiều nhất Người Việt Nam sở hữu bộ sưu tập Program-Poster Film chiếu rạp và các tư liệu,hiện vật về cải lương trước 1975 của Việt Nam với số lượng nhiều nhất.

MỘT SỐ BẰNG KHEN & GIẢI THƯỞNG KHÁC

Như bằng khen tham gia tích cực trong công tác nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, góp phần gìn giữ những giá trị văn hoá lịch sử theo tiêu chí của Unessco năm 2005; Giấy khen của Sở Văn hoá Thể thao Du lịch TP.Hồ Chí Minh về việc Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ nhân ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 2006; Giấy khen Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Cần Thơ về việc Tham gia chuyên đề chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tại Bảo tàng Cần Thơ năm 2010; Bằng khen Bộ Công Thương Người Việt – Hàng Việt hội nhập WTO lần 6 năm 2011; Bằng khen của Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam về việc Xây dựng và phát triển & đóng góp vào các hoạt động của Trung tâm qua các năm….

 

 

Anh Hiệp chia sẻ: “Những kỷ lục cũng như những bằng khen, giấy khen tôi đạt được chính là động lực cho tôi đi tiếp hành trình bảo tồn của mình. Bởi lẽ nó không dừng lại ở những con số thành tích mà tôi còn ý thức được trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình trong công tác gìn giữ giá trị văn hóa xưa”.

Mới nhất

Bài viết liên quan

Liên hệ với chúng tôi

X
Để gửi tin nhắn cho chúng tôi, trước tiên hãy để lại thông tin liên hệ của bạn để chúng tôi có thể liên hệ lại với bạn.